Bước tới nội dung

Đình Đình Bảng

(Đổi hướng từ Đình Báng)

Giới thiệu[sửa | sửa mã nguồn]

Đình Đình Bảng
Di tích quốc gia
Thờ phụng
Cao Sơn đại vương

Thủy Bá đại vương

Bách Lệ đại vương
Thông tin đình
Địa chỉViệt Nam làng Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc NinhViệt Nam
Tọa độ21°06′29,99″B 105°57′6,31″Đ / 21,1°B 105,95°Đ / 21.10000; 105.95000
Thành lập1700 - 1736
Người sáng lậpNguyễn Thạc Lương
Map
Di tích quốc gia
Đình Đình Bảng
Phân loạiDi tích lịch sử – văn hóa
Ngày công nhận28 tháng 4 năm 1962
Quyết định313-VH/VP[1]

Đình Đình Bảng, tên Nômđình Báng là một ngôi đình nằm ở làng Đình Bảng (xưa là làng Cổ Pháp hay tên Nôm là làng Báng), thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Địa lý[sửa | sửa mã nguồn]

Đình Bảng tọa lạc tại làng Đình Bảng, thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây cách thủ đô Hà Nội khoảng 17 km về phía Đông Bắc, theo quốc lộ 1A.

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Đình làng Đình Bảng được xây dựng năm 1700 thời Hậu Lê kéo dài ba mươi sáu năm đến năm 1736 mới hoàn thành. Đình Bảng còn được biết đến là nơi sinh của Lý Công Uẩn - vị vua đầu tiên của nhà Lý, người đã dời đô từ Hoa Lư (nay là Ninh Bình) về Đại La - Thăng Long (nay là Hà Nội) vào năm 1010.[2] Khi vua Lý Công Uẩn băng hà, Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha, từ đó Đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.[3]

Đình Đình Bảng là một trong những ngôi đình có kiến trúc đẹp nhất còn tồn tại đến ngày hôm nay. Người xưa đã có câu:[4]

Thứ nhất là đình Đông Khang,
Thứ nhì đình Bảng, vẻ vang đình Diềm.[5]

Đình Đông Khang đã bị tàn phá, đình Diềm trước đây có năm gian hai chái, nay chỉ còn ba gian hai chái. Chỉ còn đình Bảng là tương đối nguyên vẹn.

Người hưng công là quan Nguyễn Thạc Lượng, người Đình Bảng (từng làm trấn thủ Thanh Hóa) và vợ là Nguyễn Thị Nguyện, quê ở Thanh Hóa.[4] Ông bà đã mua gỗ lim, một loại gỗ quý và bền đem về cúng để dựng ngôi đình.

Giá trị[sửa | sửa mã nguồn]

Di tích Đình Đình Bảng được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1961. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, người dân Đình Bảng đã gìn giữ và tu bổ ngôi đình qua nhiều thế hệ. Nhờ vậy, Di tích Đình Đình Bảng ngày nay vẫn giữ được nguyên vẹn giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc, đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng và phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan.

Di tích Đình Đình Bảng được xem là một trong những công trình kiến trúc điêu khắc tiêu biểu của vùng quê Kinh Bắc, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của tỉnh Bắc Ninh.

Văn hóa - Tôn giáo[sửa | sửa mã nguồn]

Đình làng Đình Bảng là nơi lưu giữ và thể hiện những giá trị văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của cư dân địa phương. Nơi đây thờ các vị thần linh được cho là cai quản các yếu tố tự nhiên như: Cao Sơn đại vương (Thần Đất), Thủy Bá đại vương (Thần Nước) và Bạch Lệ đại vương (Thần Trồng Trọt).[6]

Tín ngưỡng thờ cúng các vị thần này phản ánh mong ước của người dân về một cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu. Hàng năm, vào tháng 12 âm lịch, người dân Đình Bảng tổ chức lễ hội truyền thống để cầu khẩn cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Ngoài ra, đình làng còn thờ Lục Tổ, sáu vị có công lập lại làng vào thế kỷ 15. Sau khi đền Lý Bát Đế bị thực dân Pháp phá hủy vào năm 1948, bài vị của tám vị vua triều Lý cũng được rước về thờ tại đình Đình Bảng.[2]

Sự kết hợp thờ cúng các vị thần linh và những vị có công với làng thể hiện tinh thần đoàn kết, đề cao đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của người dân Đình Bảng.

Kiến trúc[sửa | sửa mã nguồn]

Đình Bảng là bản sắc độc đáo của kiến ​​trúc quốc gia. Vừa giữ được sự toàn vẹn của kiểu nhà sàn vừa được kết hợp tinh tế trong kiến trúc đình chùa Việt Nam. Đình Bảng là một công trình kiến ​​trúc quy mô lớn, bao gồm cổng ba lối vào. Cổng trung tâm được xây dựng bằng gạch theo hình dạng của một chiếc đèn lồng. Ở hai bên của nó có cổng vòm mái giả. [2]

Đình Đình Bảng gồm tòa đại đình đồ sộ nối với hậu cung phía sau theo dạng mặt bằng hình chuôi vồ, còn gọi theo dạng chữ Nho là kiểu "chữ đinh" 丁. Tòa đại đình dài 20 m, rộng 14 m, cao 8 m, phần mái rủ xuống đẹp đẽ chiếm tới 5,5 m tổng chiều cao.

Vẻ độc đáo của ngôi đình thể hiện ở không gian mái đình tỏa rộng, nét đồ sộ của những đầu đao, quy thức thích nghi với khí hậu gió mùa, và trang trí điêu khắc dày đặc.[7]

Đình có kết cấu hệ kèo chồng rường, gồm bảy gian hai chái (gian phụ). Đình được dựng trên nền cao có thềm bó bằng đá xanh. Đặc biệt, đình mang kiến trúc nhà sàn với sàn gỗ bề thế cao 0,7 m so với mặt nền, sáu hàng cột ngang và mười hàng cột dọc bằng gỗ lim có đường kính từ 0,55m (với cột con) đến 0,65m (với cột mẹ) được kê trên các tảng đá xanh.

Nóc đình cao tới 8 mét với tỷ lệ mặt đứng của phần mái lớn hơn phần thân (mái chiếm hai phần ba chiều cao của đình) tạo nên cảm giác bề thế. Đình lợp ngói mũi hài và có các đầu đao vươn xa nhất trong các công trình kiến trúc gỗ cổ truyền tại Việt Nam. Đình có cửa bức bàn bao quanh.

Nội thất[sửa | sửa mã nguồn]

Nội thất đình được trang trí với rất nhiều chủ đề phong phú như rồng, phượng, tùng, mai, trúc, bầu rượu, thanh gươm. Đặc biệt, hình tượng rồng chiếm một tỷ lệ lớn với số lượng khoảng 500 hình. Gian chính điện (gian giữa) có sàn thấp, lát gạch lá nem. Gian này thấp nhất, thuật ngữ là "lòng thuyền". Sàn ván các gian hai bên cao dần, tổng cộng là hai cấp, phân biệt địa vị của các hương chức khi họp việc làng để người ngồi "chiếu trên", kẻ ngồi "chiếu dưới" tùy theo vai vế trong làng.[8]

Bức cửa võng và tấm trần che của gian chính điện được chạm trổ công phu. Trên ván nong, phía dưới bao lơn của hàng cột cái và cột con có một bức chạm hình "Bát mã quần phi" (Bầy ngựa tám con đang phi) với các đáng điệu rất sống động. Trong đình có nhiều bức hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng.

Hình ảnh đình Bảng[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Quyết định 313-VH/VP xếp hạng những di tích, danh thắng cảnh toàn miền Bắc”. Thư viện pháp luật.
  2. ^ a b c “Đình Bảng - Ngôi đình cổ đồ sộ, độc đáo nhất Việt Nam”. VOH. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2024.
  3. ^ Văn Đức (14 tháng 2 năm 2022). “Di tích lịch sử Đền Đô - Ngôi Đền của các bậc Đế vương nhà Lý”. Đài Phát thanh & Truyền hình Bắc Ninh.
  4. ^ a b “Chuyện về ngôi nhà cổ 300 năm ở Bắc Ninh”. Báo Nhân Dân điện tử. 4 tháng 11 năm 2004. Truy cập ngày 11 tháng 5 năm 2023.
  5. ^ “Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia đình Đình Bảng”. bacninh.gov.vn. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2024.
  6. ^ Vietnam+ (VietnamPlus) (26 tháng 10 năm 2021). “Đình Bảng - một trong ba ngôi đình có kiến trúc đẹp nhất vùng Kinh Bắc”. Vietnam+ (VietnamPlus). Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2024.
  7. ^ Văn hóa Việt Nam tổng hợp, 1989-1995, Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương xuất bản năm 1989, trang 334.
  8. ^ Lê Thanh Đức. Đình làng Miền Bắc. Hà Nội: nxb Mỹ thuật, 2001. tr 17

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]